Triệu phú ‘khùng’ chuyên nhặt rác trên đường-VnExpress
Mỗi ngày, cứ sau bữa sáng và bữa tối, doanh nhân họ Zhong lại mặc chiếc áo phông màu cam, lái chiếc Mercedes-Benz vào trung tâm thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Trong vòng một đến hai tiếng, ông đi bộ trên đường, nhặt những mẩu rác và nói chuyện với những người qua đường về chuyện xả rác.
“Nhiệm vụ của tôi là thay đổi thói quen xấu của mọi người và nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường”, Zhong nói. Hành động này đã giúp doanh nhân 54 tuổi giành nhiều giải thưởng, nhưng cũng khiến ông thêm vài vết thâm tím trên cơ thể từ những người không thích lắng nghe ông nói. Nó cũng khiến ông suýt đánh đổi cả cuộc hôn nhân của mình.
Trải qua tất cả những chuyện đó, Zhong nhất quyết không bỏ cuộc, trở thành người vận động bền bỉ về vấn đề môi trường ở thành phố hơn 30 triệu dân này.

Ông Zhong Congrong đi nhặt rác trên đường phố Trùng Khánh. Ảnh: SCMP
Tại Trung Quốc đại lục, nhiều thành phố đã ban lệnh cấm xả rác và phạt người vi phạm tới 200 tệ. Tuy nhiên, những quy định này hiếm khi được người dân tuân hành. Dù nhiều thùng rác đã được bố trí ở các địa điểm công cộng, rác thải vẫn là một vấn đề gây đau đầu.
Zhong đang làm chủ ba doanh nghiệp tại tỉnh Vân Nam với tổng giá trị hơn 100 triệu tệ (14,3 triệu USD), nhưng ông thích được gọi là một nhà bảo vệ môi trường hơn. Zhong cho hay ông bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ năm 2015 sau khi gặp một phụ nữ khoảng 70 tuổi ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ông bị ấn tượng trước sự tận tâm của bà và chồng khi hai người đi nhặt rác hàng ngày.
“Họ là những giáo sư nghỉ hưu ở một trường đại học danh giá tại Bắc Kinh”, Zhong kể. “Tôi đã trò chuyện rất nhiều với bà ấy và hỏi bà ấy tại sao lại đi nhặt rác hàng ngày khi dọn hôm nay, mai rác mới lại xuất hiện”, ông kể.
Người phụ nữ cho hay cách giải quyết vấn đề này là dạy mọi người không xả rác, nhưng bà không dám làm điều đó. Zhong cho hay cuộc gặp gỡ này đã cho ông động lực và dám thay đổi thái độ.
Trở về Trùng Khánh, Zhong quan sát và tìm hiểu rồi nhận ra rằng thực khách của các nhà hàng và các chuỗi đồ ăn nhanh là những người có xu hướng xả rác nhiều nhất.
“Có thể đó là vì khi mọi người ăn uống ở nhà hàng, họ xả rác bất kỳ nơi nào họ muốn. Khi đi ra ngoài, họ tiếp tục làm như thế”, ông nói. “Những người mua sắm trong các trung tâm thương mại nhìn chung văn minh hơn”.
Khi “đi tuần” trên các con phố, Zhong mặc chiếc áo phông màu cam rất bắt mắt in thông điệp về ngừng xả rác bừa bãi. Đồ nghề của ông là kẹp sắt để nhặt giấy ăn, túi nilon, chai nước khoáng, tã lót và nhiều thứ khác cho vào thùng rác. Ông cũng mang theo một loa di động để phát lời kêu gọi thực khách: “Để bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của con em chúng ta, các bạn thân mến, xin đừng xả rác”.

Ông Zhong Congrong cầm loa phát thông điệp kêu gọi mọi người không xả rác. Ảnh: SCMP
Zhong cho hay ban đầu ông cảm thấy e ngại khi đứng trước đám đông thực khách đang mải ăn uống. Tuy nhiên, dần dần, ông không cảm thấy sợ nữa. Một trong những thách thức lớn hơn là truyền đạt thông điệp đến những người không muốn lắng nghe và từ chối xả rác đúng chỗ.
“Xã hội chúng ta có nhiều kiểu người là chuyện bình thường và tôi cần đối mặt với thực tế này”, Zhong nói. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ bị gọi là ‘gã khùng'”.
Ông xử lý vấn đề này bằng sự kiên nhẫn. Khi ông nhắc nhở những người vứt rác bừa bãi, nhiều người làm ngơ, số khác bỏ đi, nhưng ông đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.
“Nếu không nhặt rác lên, tôi đảm bảo hôm nay bạn sẽ bị bẽ mặt. Tôi sẽ để những người qua đường nhìn thấy và biết việc xấu hổ bạn vừa làm. Mọi người sẽ lên án bạn và bạn sẽ phải xấu hổ”, ông nói với họ.
Khi mọi người nói rằng đây không phải việc của Zhong, ông đáp những gì mình đang làm là vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, ông đôi khi cũng phải trả giá đắt. Có lần, ông bắt gặp vài thanh niên ném rác từ xe hơi xuống đường. Ông lái xe đuổi theo họ, yêu cầu dọn dẹp, nhưng những người này từ chối, chửi bới, sau đó đánh ông. Cuối cùng, họ bị đưa vào đồn cảnh sát.
Zhong hy vọng công việc của mình sẽ mang “năng lượng tích cực” đến các nhân viên ở công ty sản xuất linh kiện ôtô và vật liệu đóng gói của ông, dù việc ông làm không liên quan gì đến kinh doanh.
Năm ngoái, ông được chính quyền thành phố vinh danh là một trong 10 gương mặt vì cộng đồng của Trùng Khánh, còn gia đình ông được vinh danh là gia đình văn hóa Trung Quốc, do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc trao tặng.
Vợ ông, bà Yang Zuhui, ban đầu không ủng hộ việc làm của chồng và dọa ly hôn. “Những gì làm em lo lắng là anh cố gắng thuyết phục người khác và chuyện xô xát là không thể tránh khỏi”, bà Yang nói với chồng trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Hồ Nam năm 2017.
“Chồng tôi không cao, nhiều khi ông ấy yếu thế và bị đánh. Tôi lo lắng cho an toàn của ông ấy”, bà nói thêm.
Tuy nhiên, hai năm trước, cô con gái 10 tuổi đã làm thay đổi thái độ của bà Yang. Trong một buổi dã ngoại của trường con gái, ông Zhong đã dạy cả trẻ em và người lớn ở đó về việc xả rác đúng chỗ. Con gái ông từ chỗ xấu hổ vì phát ngôn của bố trở nên tự hào khi các bạn cùng lớp ca ngợi ông Zhong là tuyệt vời và “như một người hùng bảo vệ Trái đất”.

Ông Zhong Congrong và vợ, bà Yang Zuhui. Ảnh: SCMP
Bà Yang đã quay sang ủng hộ chồng vì biết ông là một người quyết đoán và một khi đã quyết định hành động thì sẽ không thay đổi. Con trai ông, hơn 20 tuổi, người đã quay về Trùng Khánh sau khi du học Pháp, cũng luôn ủng hộ bố.
“Con trai tôi nói rằng công việc tình nguyện về môi trường là chuyện thường tình ở nước ngoài và đáng được trân trọng”, ông Zhong cho hay.
Ra ngoài nhặt rác đã trở thành một phần trong cuộc đời của ông Zhong. “Vào buổi tối, nếu tôi ở nhà, vợ con tôi sẽ nhắc ‘sao bố không đi nhặt rác?'”, ông kể.
Zhong cho rằng việc đi nhặt rác hàng ngày rất quan trọng vì ông càng làm thì càng gây được ảnh hưởng tới nhiều người. “Bằng cách xóa bỏ thói quen xả rác, người Trung Quốc có thể ngẩng cao đầu khi họ đi du lịch ra nước ngoài”, Zhong nói.
Anh Ngọc (Theo SCMP)
Chuyên mục: Góc truyện