Ngành Quân khí Quân khu: 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của việc bảo đảm vũ khí, trang bị (VKTB) cho LLVT trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 1-9-1951 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam ký Nghị định số 277/NĐ về việc thành lập Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Cung cấp. Ngày 16-9-1951, Cục Quân khí chính thức đi vào hoạt động, đóng quân và làm việc tại bản Tò, xã Phượng Tú (nay là xóm Làng Quyền, xã Lam Vĩ) huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 9-8-2001, Thượng tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 1781/QĐ-BQP công nhận ngày 16-9-1951 là Ngày truyền thống Ngành Quân khí QĐND Việt Nam.
Thiếu tướng Trần Văn Kình, Phó tư lệnh Quân khu kiểm tra kho vũ khí của Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nguyễn Hùng
Ngày đầu mới thành lập, Ngành Quân khí hoạt động còn nhiều khó khăn do vật chất, trang bị thiếu thốn, cán bộ chưa có kinh nghiệm công tác… Nhưng với quyết tâm vừa làm, vừa học, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, cán bộ, nhân viên Ngành Quân khí đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống các kho vũ khí, các trạm sửa chữa, tạo nguồn súng pháo, khí tài, đạn dược (SPKTĐD) cung cấp cho các đơn vị đóng quân và chiến đấu trên địa bàn.
Trong kháng chiến chống Pháp, Ban Quân khí trực thuộc Phòng cung cấp của Liên khu Việt Bắc; giai đoạn này Liên khu có 3 xưởng sản xuất vũ khí. Đặc biệt trong năm 1952, Ngành Quân khí – Liên khu Việt Bắc tổ chức tiếp nhận 120 tấn vũ khí, đạn dược đảm bảo an toàn. Năm 1953 tại Kho Tam Thanh thuộc binh trạm biên giới, khi bị địch tiến công, 23 cán bộ, chiến sĩ của kho đã bình tĩnh chiến đấu, đẩy lùi 3 đợt tiến công của địch, bảo vệ an toàn kho tàng. Trong trận chiến này có 9 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Từ 1951-1954, Ngành Quân khí Liên khu đã tổ chức tiếp nhận, cấp phát hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ LLVT Liên khu chiến đấu, thu hồi được nhiều vũ khí của địch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Ngành Quân khí đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu các biện pháp bảo đảm SPKTĐD cho các đơn vị chiến đấu, nhất là lực lượng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Cán bộ Ngành đã thường xuyên bám sát, phối hợp với lực lượng quân khí các đơn vị nghiên cứu, giải quyết kịp thời, hiệu quả việc khai thác, sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho VKTB; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo, cải tiến VKTB phù hợp với hình thức cơ động và mang vác của bộ đội trên chiến trường.
Từ năm 1957 đến năm 1975, Ngành Quân khí đã bảo đảm được 10.000 tấn đạn dược, gần 20.000 nghìn khẩu súng, pháo các loại cho các lực lượng chiến đấu trên chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Ngành Quân khí Quân khu đã cùng với ngành Quân khí Quân đội góp phần to lớn vào chiến thắng của quân và dân ta với một số trận đánh lớn như trận Đồng Đăng, trận đồi Chậu Cảnh của Sư đoàn 3, trận cầu Khánh Khê trên đường 1B của Sư đoàn 337, trận đánh tập kích vào sau lưng địch của Sư đoàn 338 và một số trận đánh tiêu biểu của Binh đoàn Chi Lăng (Quân đoàn 14) trên địa bàn Lạng Sơn giai đoạn 1979-1989 như các trận đánh bảo vệ cao điểm 400 (tháng 5-1981), cao điểm 820 và 636 tại Tràng Định, Thất Khê.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của công tác quân khí là: “Bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số lượng, chất lượng, đồng bộ SPKTĐD cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của các đơn vị, nhất là các đơn vị bảo vệ biên giới, biển đảo; giữ gìn, quản lý, khai thác SPKTĐD đúng quy định và an toàn tuyệt đối”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Ngành Quân khí Quân đội nói chung và Ngành Quân khí Quân khu nói riêng đã tập trung xây dựng cơ quan vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân khí có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thời kỳ mới, Ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm quân khí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và SSCĐ của các đơn vị. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các giải pháp về việc xây dựng, quy hoạch hệ thống kho tàng quân khí theo phương án cất giữ SPKTĐD tập trung ở các kho chiến dịch, chiến thuật trong thời bình, phân tán trong thời chiến… Đặc biệt đã tham mưu cho thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu về củng cố, xây dựng hệ thống kho quân khí các huyện biên giới bảo đảm đủ khả năng cất chứa và các điều kiện an toàn trong quá trình cất giữ SPKTĐD theo Chỉ thị 15/CT-TM ngày 3-12-2018 của Bộ Tổng Tham mưu về dự trữ đạn bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ.
Hệ thống trạm, xưởng sửa chữa từ cấp chiến dịch đến cấp chiến thuật từng bước được xây dựng, củng cố hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho SPKTĐD và bảo đảm an toàn kho quân khí. Hệ thống kho quân khí được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đồng bộ và chính quy, vừa bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, vừa có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hoạt động khoa học – công nghệ – môi trường được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, như: Nghiên cứu sản xuất vật liệu mới để làm phụ tùng thay thế; bao gói sản phẩm; ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm định chất lượng thuốc phóng…
Trong công tác huấn luyện, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ quân khí, các cấp đã thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình theo quy định; đồng thời, bám sát nhiệm vụ kỹ thuật, công tác quân khí của đơn vị để bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật thành thạo các kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa SPKTĐD và biết tổ chức, hướng dẫn đơn vị thực hiện các nội dung kỹ thuật theo quy định. Kết quả nổi bật: Ngành Quân khí Quân khu gia nhập các hội thi kỹ thuật quân khí toàn quân những năm gần đây 5 lần đạt giải nhất (2012, 2014, 2016, 2017, 2019); có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật có chất lượng đã đạt giải cấp Bộ Quốc phòng và Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân được áp dụng có hiệu quả vào hoạt động công tác bảo đảm kỹ thuật quân khí tại các đơn vị; đặc biệt trong Hội thao quân sự Quốc tế ARMY GAMES năm 2021, Quân khu có 2 tuyển thủ gia nhập đội tuyển Thợ quân khí giỏi của QĐND Việt Nam.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Ngành Quân khí Quân khu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Ngành Quân khí Quân đội: “Tận tụy, dũng cảm, giữ gìn súng đạn, phục vụ đánh thắng” và đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới. Với những thành tích đã đạt được, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý…”, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Ngành Quân khí Quân khu tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá TRẦN NGỌC TRUNG, Trưởng phòng Quân khí Quân khu
Chuyên mục: Góc truyện