Góc truyện

Chuyện tình của hai sĩ quan tình báo

14/02/2015 16:22

print

Quan tâm

Chia sẻ FB

Bạn đang xem: Chuyện tình của hai sĩ quan tình báo

Chuyện tình của hai sĩ quan tình báo

Một buổi sớm đầu Xuân Đinh Mùi (1967), Thiếu úy Hà Đình Vạn, Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 74, Cục Tình báo (nay là Tổng cục 2), mời các đồng chí cán bộ trong đơn vị lên phòng chỉ huy hội ý “việc tốt lành”…

QĐND – Một buổi sớm đầu Xuân Đinh Mùi (1967), Thiếu úy Hà Đình Vạn, Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 74, Cục Tình báo (nay là Tổng cục 2), mời các đồng chí cán bộ trong đơn vị lên phòng chỉ huy hội ý “việc tốt lành”. Đám cưới Thiếu úy, Đại đội phó Trần Huyền với thanh nữ Vương Thị Tiến, công nhân Nhà máy Hóa chất Đức Giang thuộc Tổng cục Hóa chất-trai thực tài, gái thực sắc, sẽ diễn ra sau vài hôm. Hoàn cảnh riêng của đồng chí Trần Huyền rất khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bị bom Mỹ giết hại. Trong quê Nam Đàn (Nghệ An) còn có người anh trai. Song, hiện tại, các tuyến đường Khu 4 bị máy bay Mỹ oanh tạc ác liệt nên gia đình không ai ra được. Bố mẹ chị Tiến đã thông cảm, miễn các thủ tục. Sau khi hai người đăng ký kết hôn xong sẽ liên hoan gia đình và đại diện cơ quan đôi bên. Thiếu úy Hà Đình Vạn vừa là chủ hôn, vừa đại diện đơn vị phát biểu…

Vợ chồng ông Hà Đình Vạn, bà Vương Thị Tiến.

 “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Vợ chồng vừa mới “quen hơi bén tiếng” thì anh Huyền cùng đại đội đi diễn tập dài ngày ở Quảng Ninh. Khi trở về, hai người chỉ có mỗi một đêm ở bên nhau rồi đơn vị của Huyền đi làm nhiệm vụ ở Trung Bộ. Chiều tối 30-5, chị Tiến về nhà sau khi bàn giao ca trực chiến phòng không ở nhà máy. Đọc lá thư của chồng để trên gối cưới, chị hiểu thêm: Lấy chồng tình báo thì phải làm quen với bí mật, bất ngờ…

Đoàn quân xuyên rừng vượt núi từ Quảng Bình vào điều tra, nắm tình hình địch ở vùng Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị) để chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Trên đường hành quân, theo yêu cầu nhiệm vụ, Chính trị viên phó và Đại đội phó đi cuối đội hình, vừa làm nhiệm vụ chung, vừa giúp đỡ các chiến sĩ khi gặp khó khăn, lúc mệt nhọc. Hai người tâm sự nhiều điều sâu sắc, càng thêm hiểu nhau… Giữa tháng 8, đoàn quân đã tới khu vực làm nhiệm vụ và được chia thành các bộ phận hoạt động ở các mũi do từng cán bộ đại đội phụ trách. Khoảng 21 giờ ngày 17-8, nhận được mật điện từ Ban chỉ huy Mặt trận B5: “Toàn bộ lực lượng về căn cứ ngay”, bộ phận anh Vạn đang nắm tình hình địch ở phía đông nam, từ Cửa Việt đến Dốc Miếu, khẩn trương rút quân vượt sông Cửa Tùng về tới căn cứ-làng Duy Viên thuộc xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, trước khi trời sáng. Các bộ phận khác cũng đã về tới nơi. Tất cả bàng hoàng, đau xót khi nghe cán bộ mặt trận tường thuật lại sự hy sinh của anh Huyền, người đồng chí, người anh em thân thiết của toàn đại đội.

… Hôm ấy (ngày 17-8-1967), Thiếu úy, Đại đội phó Trần Huyền tổ chức cho 11 anh em hoạt động ở đồi Tân Lịch, cách Dốc Miếu hơn 1km về phía tây nam. Nhiệm vụ của các anh là vẽ sơ đồ, chụp ảnh toàn bộ khu vực này và bắt sống lính Mỹ để khai thác tin tức. Di chuyển trong các đồi sim, mua lúp xúp, không ai có thể ngờ, lúc 15 giờ, các anh đã bị hai xe bọc thép M-113 cùng với hai đại đội lính Mỹ bao vây. Nhận định tình hình, Trần Huyền ra lệnh cho anh em rút khỏi vòng vây, riêng anh ở lại tạo nghi binh, yểm trợ. Cả 11 người đều muốn ở lại chiến đấu. Trần Huyền phải lấy cương vị người chỉ huy tại trận, cương quyết bắt anh em tuân hành để bảo toàn lực lượng. Còn lại một mình, với khẩu súng AK, một súng ngắn và hai quả lựu đạn, Trần Huyền lợi dụng khe đá, suối cạn, thoắt ở chỗ này, thoắt ở chỗ khác, bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch. Sau khi anh bắn viên đạn cuối cùng, bọn Mỹ biết quân ta ở đó chỉ có một người, chúng ào lên định bắt sống anh. Với lưỡi lê, dao găm và võ thuật, Trần Huyền tiếp tục chiến đấu, đưa tổng số lính Mỹ bị anh tiêu diệt lên tới 26 tên. Bọn xâm lược kinh hoàng, buộc phải xả súng vào anh… Trong đêm đó, anh em ta đã đưa thi hài anh về cứ. Ít ngày sau, cấp trên truy tặng Thiếu úy Trần Huyền Huân chương Chiến công hạng nhất và danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê diệt Mỹ cấp ưu tú”. Mặt trận B5 phát động phong trào học tập gương chiến đấu dũng cảm Trần Huyền. Làm lễ mai táng liệt sĩ Trần Huyền xong, đơn vị tiếp tục hành quân lên rừng núi phía tây làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu cứ điểm Tà Cơn của địch…

Sau Mậu Thân 1968, anh Vạn cùng anh em trong đơn vị được lệnh trở lại làng Vân Khám, xã Hiệp Vân (nay là Vân Du, Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi anh đã cùng anh Huyền xuất phát đi làm nhiệm vụ hồi tháng 5 năm trước, để chuẩn bị cho công tác mới. Hành trang của anh từ chiến trường ra có một kỷ vật vô giá: Tờ báo do Mặt trận B5 phát hành, in đậm tít bài “Dũng sĩ đâm lê Trần Huyền”. Đêm khuya, chỉ có hai người, bác chủ nhà xúc động đặt tờ báo lên ban thờ, thắp một nén hương…

Nhận được điện của chỉ huy Đại đội 2: “Đơn vị đã ra Bắc Ninh, mời chị Tiến lên chơi”, chị Tiến xin phép thủ trưởng cơ quan rồi đi ngay. Và bác gái chủ nhà đã không thể kìm lòng trước câu nói của chỉ huy và anh em trong đơn vị lúc đón chị Tiến ở cổng: “Anh Huyền bị thương, đang điều trị ở bệnh xá mặt trận nên chưa ra được”. Đêm hôm đó, bác nằm ôm chặt tay chị Tiến, sụt sịt: “Em ơi! Huyền đi xa rồi!”… Chị Tiến ngất lên ngất xuống. Nhờ có sự chăm sóc của mọi người, chị đã vượt qua được cơn đau mất mát và thuộc từng nét chữ, từng lời trong bài báo viết về người chồng mà chị vô cùng kính yêu! Xót thương bạn Trần Huyền bao nhiêu, anh Vạn càng ái ngại cho chị Tiến bấy nhiêu. Anh đề nghị và được tổ chức đồng ý sớm báo tử Thiếu úy Trần Huyền, vì đằng nào thì chị Tiến cũng đã biết chồng hy sinh rồi, càng lâu báo tử lại càng đau thêm… Vào ngày giỗ Trần Huyền, anh Vạn vẫn về gia đình chị Tiến thắp hương cho bạn.

Ba năm sau, bằng mối liên hệ giữa đơn vị và cơ quan nhà máy hóa chất, các đồng chí lãnh đạo nhận định: Chị Tiến còn trẻ, là đảng viên ưu tú, nên gợi ý tác thành với anh Vạn. Dù sao thì cũng là cái nghĩa, cái tình đời lính. Tuy vậy, cũng còn phân vân vì anh Vạn có nhiều điều kiện để tìm “chỗ khác” ưu thế hơn… Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Vạn thấy mình có trách nhiệm đối với chị Tiến theo cái nghĩa như là để tình yêu của người bạn Trần Huyền vẫn đang sống… Thế rồi, một bên ướm hỏi, một bên đắn đo. Rồi bên này hỏi nghiêm túc, bên kia cũng thấy là việc trọng… Cho đến một tối thứ bảy giữa mùa đông, anh Vạn hỏi: “Ý Tiến thế nào? Hay là đã có ai rồi?”. Chị Tiến trả lời: “Có một thầy giáo. Anh ấy rất đáng kính trọng. Nhưng nghĩ về hoàn cảnh của mình và những kỷ niệm với anh Huyền nên em không đồng ý”. Anh Vạn hỏi tiếp: “Vậy anh, với tư cách bạn chiến đấu của Huyền, anh thương lại em được không? Có điều, anh vẫn đang là người lính trên đất nước còn chiến tranh… Liệu Tiến có chịu đựng được nữa không?”. Chị Tiến nhìn thẳng vào mắt anh, nói chắc chắn: “Em sẵn sàng!”.

Ngày 6-12-1970, đám cưới thứ hai của chị Tiến được tổ chức trong sự quan tâm đặc biệt của hai cơ quan và gia đình đôi bên. Nó ghi dấu một chuyện tình đáng trân trọng của những người chiến sĩ tình báo. Nó tiếp sức cho Thiếu úy Hà Đình Vạn trên chặng đường chiến đấu mới với những chiến công trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị 1972 và những năm là Quân tình nguyện ở nước bạn Lào sau đó. Năm 1985, Trung tá Hà Đình Vạn, Phó trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn 176, Binh đoàn 678, nghỉ hưu. Tình vợ chồng cộng với truyền thống của bộ đội tình báo và tình bạn thiêng liêng với người chồng cũ của vợ đã thôi thúc ông hoạt động trên trận tuyến mới với hàng chục năm gia nhập công tác địa phương. Sau khi Thiếu úy Trần Huyền được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vợ chồng ông càng thêm phấn khởi, nhiệt tình với việc phố, việc phường, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài và ảnh: KỲ LIÊM

Chuyên mục: Góc truyện

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button