Đi tìm một cái kết
Quan tâm
Bạn đang xem: Đi tìm một cái kết
Đi tìm một cái kết
Nhân một lần dự trại viết do Nhà hát Kịch Quân đội triệu tập, các tác giả cả nước hội tụ tại Tam Đảo, tôi bỗng bị tắc ở cái kết, mở thế nào cũng không thật ổn, càng mở càng tắc. Tắc cho đến tận bây giờ. Vậy nhân dịp Tết, tôi kể ra đây để bạn bè, đồng đội ở khắp nơi đọc rồi góp ý cho vui. Biết đâu lại giúp tôi tìm được cái kết thỏa đáng, cái kết của cuộc đời ban tặng.
Kịch chỉ vẻn vẹn thế này thôi.
Có một ông họa sĩ già bất đắc chí, sống thui thủi trong một căn hộ tập thể, quanh năm người ta chỉ thấy ông chúi mặt vào vẽ ba cái biển hiệu, biển hàng cho thiên hạ để lấy những đồng tiền rẻ mạt đặng đắp đổi cuộc sống qua ngày. Cuộc sống ấy sẽ vô cùng buồn chán và tẻ ngắt nếu một ngày không có một người đàn bà dáng sang trọng, nét mặt thoáng buồn, trùm khăn gõ cửa nhờ ông vẽ cho một bức chân dung. Ông cười khẩy, bảo bà gõ nhầm cửa rồi, tôi chỉ là một thằng vẽ mướn cho bọn trọc phú và cánh trẻ thích ăn chơi hưởng thụ thời hiện đại. Bà khách nói, tôi biết ông là một họa sĩ có uy tín thời chiến tranh, một người vẽ chân dung tài hoa được tôn vinh suốt dải Trường Sơn, mà nói đến ông, không ai lúc ấy là không kính trọng, vị nể. Ông trợn mắt hỏi bà là ai, bà là cái quái gì mà lại biết được những chuyện tôi đã cố chôn vùi không muốn ai nhắc đến từ lâu rồi? Bà khách cười buồn, tôi có nhiều bạn bè trong giới hội họa và cả bạn bè thời chiến tranh, họ nói về ông như vậy. Và vì cái lẽ dớ dẩn ấy mà hôm nay bà đến đây nhờ tôi vẽ chân dung? Ông hỏi. Không, tôi không nhờ mà tôi đặt, đặt một bức chân dung nghệ thuật. Đặt! Ông cười phá, bà có cái giọng thị trường gớm nhỉ, đặt, mới kêu vang làm sao? Xin lỗi bà nhé, đã từ lâu tôi không còn dính dáng gì đến ba cái chân dung hay nghệ thuật nghệ thiếc gì nữa rồi, vô nghĩa, vô bổ, vô cùng lắm! Xin lỗi bà, tôi đang bận, rất bận. Bà khách ngồi xuống, giọng thật buồn: Bận bởi những thứ mà tôi biết ông cũng đang khổ sở, trái lòng trái dạ thế này ư?
Đến đây thì ông họa sĩ nổi cáu: Trái gì kệ thây tôi. Tôi hết cái tuổi để ai cũng có thể buông lời dạy dỗ rồi. Vâng, cửa tôi vẫn mở, xin mời bà về. Tôi không về, bà khách nói nhẹ nhưng cương quyết, tôi sẽ ngồi đây từ giờ đến tối, cả ngày mai, hết ngày kia, ngồi cả tháng nếu ông vẫn không nhận lời. Đến lượt ông họa sĩ thả người xuống đất: Bà dám làm thế? Dám. Nhưng nếu tôi bỏ nhà ra đi? Tôi sẽ ngồi cho đến khi ông trở về và ông không thể không trở về. Biết là gặp “vật cứng”, ông lạnh mặt: Bà nói bà đặt hàng, bà định đặt bao nhiêu? Tôi sẽ đặt một khoản tiền để ông có thể sống từ nay đến cuối đời mà không phải đi vẽ thuê vẽ mướn như thế này nữa. Và nếu ông nhận vẽ thì ngay lúc này, tôi sẽ đặt ông trước 60 triệu để ông có thể tập trung vẽ trong sáu tháng, thiếu, tôi sẽ đặt hơn. Cái gì, ông lại trợn mắt, bà nghĩ rằng cái bản mặt của bà mà tôi phải vẽ những sáu tháng? Bà đùa đấy à? Tôi lại nghĩ có thể hơn vì tôi vốn khó tính. Thôi được rồi, ông căng giọng, đã thế thì tôi nhận, nhận nhưng bà không phải đặt một cắc nào cả và cũng khỏi cần cái gọi là sống đến cuối đời dớ dẩn, hoạnh tiền của bà, chiều mai mời bà đến lấy! Cám ơn ông! Bà khách nhẹ thở ra, khẽ mỉm cười heo héo: Với tài năng của ông, chắc tôi không phải ngồi làm mẫu? Tất nhiên là không, mặt mũi bà thế nào thì từ nãy đến giờ tôi đã thu vào đầu cả rồi, nhưng bà cũng nên để lại cho tôi một tấm ảnh. Cám ơn ông! Bà khách rút trong ví ra một tấm ảnh nhỏ để lại cho ông rồi khẽ chào đi ra, bước đi mỏng manh, xiêu xiêu trong nắng bụi. Người họa sĩ nhìn theo, buông một câu trống lỏn: Đúng là đồ điên!
Và ngay đêm đó, như bị chạm đến tự ái, ông bắt đầu vẽ. Và chắc mẩm cũng chỉ vẽ một tối nay là xong, nhưng thật kỳ lạ, ngay từ cú phác thảo ban đầu, cây cọ trên tay ông dường như cứ trượt đi đâu không sao làm chủ được. Ông xé mảnh toan này, ráp mảnh toan khác. Lại trượt, thậm chí còn trượt thảm hại hơn trong khi đôi mắt thật buồn của người đàn bà trong ảnh cứ nhìn xuống ông đầy thách thức, thậm chí còn thoáng giễu cợt. Ông lại xé, lại vẽ và lại xé, lại vẽ… Sáng ra, cả sàn nhà bừa bộn những mảnh toan vẽ dở, còn ông thì nằm bệt xuống như bị ma ám, bị bất lực.
Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa cũng thế. Cái khuôn mặt có thời xuân sắc kia vẫn âm thầm nhìn xuống và ông vẫn không tài nào nắm bắt được, cứ ẩn chìm, lặn ngụp, tan ra rồi lại hợp vào như không có thật. Ông rít lên: Bà là người hay là quỷ mà đến ám tôi khốn khổ khốn nạn thế này?…
Cứ thế, thời gian trôi qua, ông gầy rộc đi, tóc tai râu ria tua tủa không thèm cạo. Sự tổn thương nghề nghiệp khiến ông cứ mụ mị lao vào khung tranh như lao vào một trận đánh đơn độc, mộng du và nhọc nhằn.
Rồi đến một đêm, ông cũng đang khổ sở như thế thì bỗng mất điện cả phố. Như con bạc khát nước, cay cú không chịu dừng, ông lục cả đống nến dưới gậm giường thắp lên oằn người vẽ tiếp. Vẫn như ma trơi, khuôn mặt kia càng chập chờn không thể định vị được. Cáu kỉnh, ông lại xé nghiến ra từng mảnh, vo viên ném xuống đất rồi nằm vật ra nhắm mắt lại, để mặc đầu óc chìm trong giấc ngủ nặng nề…
Và trong giấc ngủ đó, ông không hay biết rằng, lửa từ đám nến đã theo gió thổi qua cửa sổ bén vào tấm toan bùng cháy. Ông choàng tỉnh và thật kỳ lạ, trong ánh lửa nhập nhoạng đó, khuôn mặt người đàn bà trong ảnh bất thần hiện ra, trẻ lại đến vài chục tuổi, mặc quân phục, nón tai bèo, tóc đuôi sam đang mỉm cười nhìn ông rạng rỡ. Cả một ký ức mang sắc lửa rừng đột ngột trở về với ông…
Đó là vào những năm chiến tranh ác liệt. Đêm ấy, một đêm mưa rừng, ông buộc phải chia tay cô người yêu quân y sĩ của mình để theo đoàn quân xuống sâu hơn nữa. Họ ngồi bên nhau cả đêm và gần sáng, cô bỗng hoảng sợ khi nghĩ đến ông có thể không trở về và từ trong sâu thẳm trái tim con gái, cô muốn ông để lại một cái gì đó thiêng liêng, cốt nhục để cô sẽ mang theo nó, sẽ sống với nó suốt đời. Và cái gì cần xảy ra đã xảy ra như một bản tình ca thời chiến hào hùng và lãng mạn…
Sáng sau, khi mặt trời lên, họ chia tay ở cửa rừng và từ đó hoàn toàn mất liên lạc với nhau trong khi thư đi thư lại rất nhiều…
Cô gái ấy chính là người đàn bà trong ảnh này. Ông ngỡ ngàng nhận ra điều đó và như có một nội lực từ quá khứ dội về, cây cọ trên tay ông bắt đầu trở nên có thần khí. Ba ngày ba đêm sau, bức vẽ sơn dầu được hình thành. Ông ngắm nhìn nó và héo hắt cười. Đến lúc này ông mới thấy mệt, thấy như bị rút hết tủy sống ra khỏi người và gục xuống, kiệt sức.
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa. Ông choàng dậy ra mở nhưng thay vì bà khách hôm nào thì giờ đây là một cô gái trang nhã, xinh đẹp, áo dài sinh viên màu trắng. Cô hiệu trưởng bảo cháu đến lấy bức tranh cô ấy nhờ. Bà ấy đâu? Ông hỏi như tâm thần. Dạ, giọng cô hơi nghẹn lại, cô hiệu trưởng… bận họp ạ. Cô có gửi cho bác một bức thư và một tấm séc, cháu để cả trong này. Ông nói, không séc siếc gì cả, cái này coi như miễn phí, chỉ phiền nhờ cô bảo bà ấy lúc nào rảnh đến đây tôi chỉnh cho vài nét. Dạ, cô gái cúi đầu và nhờ ông gói bức tranh lại giúp. Ông làm theo. Rồi vồ lấy lá thư, mở ra đọc ngấu nghiến…
Tiếng người đàn bà trong thư vang ra xa vắng…
“Anh!… Khi anh nhận được lá thư này thì em đã đi xa, đi rất xa rồi! Chất đi-ô-xin ngày ấy nó đã không tha cho em.
Anh! Sau cái đêm mưa giữa trọng điểm em đã… trao thân cho anh ấy, người ta điều em về phía sau, tận phía rừng Lào và thế là không còn liên lạc được với anh nữa dù em đã nhắn tin, hỏi tin anh rất nhiều. Em nghĩ anh đã chết như một lần anh nói gở. Sau này khi đã có gia đình, em mới biết anh còn sống, cũng mới biết tên thật của anh và lúc đó anh đang là một họa sĩ nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi không biết bao nhiêu lần em đi qua nhà anh, qua cái gallery của anh mà không dám vào. Chỉ đến khi anh sa sút, chị ấy bỏ đi thì em mới đủ can đảm đến gặp anh.
Thực ra em đâu có cần chân dung nhưng qua đó em muốn anh có dịp sống lại, nhớ lại và chắc là đã nhớ lại cái thời cao đẹp nhất của chúng mình, cái thời khổ mà vui. Em chỉ tâm nguyện một điều rằng, cuộc sống dù có thế nào thì anh cũng không được, không có quyền được buông thả xa rời những giá trị tốt đẹp nhất của đời mình. Cũng là cuộc đời của em, của chúng ta.
Điều cuối cùng, cô bé cầm lá thư này chính là giọt máu của anh vào cái đêm ấy, đêm mưa… Và sau này lớn lên, không hiểu sao nó cũng thích theo nghề của anh, đang là sinh viên nhạc họa”.
Đọc xong, khi ông nhìn lên thì cô gái đã không còn đó nữa. “Con ơi!…”. Người họa sĩ già kêu lên một tiếng xé ruột rồi lao bắn ra ngoài…
Chuyện kịch tạm dừng ở đó. Vấn đề còn lại là ông có tìm được không? Không tìm được sẽ nói lên một điều, ở đời, cái gì cũng phải trả giá khi anh đã cố tình đánh mất mình, đánh mất những năm tháng tươi đẹp nhất. Và tìm được sẽ nói lên một điều khác, cuộc đời bao giờ cũng nhân hậu, cuộc đi tìm này không chỉ là tìm một đứa con, một giọt máu, một kỷ vật trong đời mà còn là đi tìm chính mình, tìm chính cái phần tươi xanh nhất của mình mà chỉ vì cuộc sống khó khăn, nhiều điều bực bội mà anh nỡ để tuột lại đằng sau. Cuộc đi tìm ấy chính người mẹ trăng trối lại chứ không phải do cô con gái cố tình hành hạ người cha đã bỏ rơi mẹ con cô.
Hai cái kết có vẻ đều được, bây giờ xin nghe cảm nhận của bạn bè, đồng đội, nhất là những người lính đang trấn giữ ở biên cương, hải đảo để giữ yên bờ cõi non sông. Trong trái tim khoáng đạt và rất đỗi vị tha của họ, tin rằng họ sẽ giúp tôi có một cái kết thỏa đáng, sâu sắc và nhân văn.
CHU LAI
Chuyên mục: Góc truyện