Xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp
Quan tâm
Bạn đang xem: Xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp
Xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp
Sở dĩ gọi là báo chí cách mạng, bởi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén, lợi hại hơn bất cứ thứ vũ khí nào mà các nhà cách mạng đã sử dụng để đấu tranh mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân và xã hội…
QĐND – Sở dĩ gọi là báo chí cách mạng, bởi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén, lợi hại hơn bất cứ thứ vũ khí nào mà các nhà cách mạng đã sử dụng để đấu tranh mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân và xã hội.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng công việc làm báo. Bác làm Báo Người cùng khổ ở Pa-ri (Pháp) và nhiều tờ báo khác là để tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột người dân bản xứ thuộc địa Đông Dương, trong đó có Tổ quốc, dân tộc của Người. Thanh Niên là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, ra đời ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là một trong những công cụ quan trọng để Bác và các bậc tiền bối sử dụng truyền bá ý thức hệ tư tưởng cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Nhiều nhà cách mạng trên thế giới và ở Việt Nam cũng đều coi báo chí là phương tiện hoạt động chính trị. Họ sử dụng báo chí để truyền bá ý thức hệ tư tưởng cách mạng, quan điểm và đường lối đấu tranh giai cấp, giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, báo chí cách mạng là một nền báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là một nền báo chí nhân văn, vì con người, đem lại những giá trị thiết thực cho con người. Báo chí cách mạng phải là công cụ, phương tiện của giai cấp cách mạng, có vai trò tuyên truyền tập thể, cổ động và tổ chức tập thể, tập hợp những người làm cách mạng để thực hiện những mục tiêu, lý tưởng cách mạng đặt ra. Báo chí cách mạng là một nền báo chí chuyên nghiệp, hoạt động trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc như: Tính định hướng, tính chân thật và khách quan, tính công khai và dân chủ, tính nhân dân và nhân văn, tính quốc tế… Báo chí cách mạng là nền báo chí thực hiện tốt và đầy đủ các chức năng xã hội của báo chí như: Chức năng thông tin-giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội; chức năng văn hóa và giải trí; chức năng kinh tế-dịch vụ… Báo chí cách mạng là một nền báo chí tự do trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm ổn định chính trị xã hội và mang lại lợi ích tốt đẹp cho xã hội, đất nước và nhân dân. Nền báo chí cách mạng được xây dựng và phát triển trên nền tảng những chuẩn mực về luật pháp, đạo đức và văn hóa dân tộc Việt Nam đã tạo dựng, gìn giữ từ hàng ngàn đời nay.
Vai trò, sự nghiệp của báo chí cách mạng là rất to lớn, vẻ vang. Nhưng trách nhiệm của báo chí cách mạng cũng hết sức nặng nề. Mục đích, chức năng và nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng rất cao cả và rõ ràng. Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, báo chí cách mạng phải được tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp.
Một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp trước hết phải có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo báo chí là nguyên tắc bất di bất dịch. Đảng lãnh đạo báo chí bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết. Nhà nước quản lý hoạt động báo chí bằng hệ thống luật pháp về báo chí; quy hoạch hệ thống báo chí hợp lý, đồng thời đề ra các chính sách phù hợp để báo chí phát triển thuận lợi. Vì vậy, báo chí cần phải phát huy vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn dân chủ, công khai của các tầng lớp nhân dân.
Nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp phải là một nền báo chí có hệ thống báo chí phát triển, trong đó mỗi đơn vị báo chí phải là một “binh chủng thông tin” cùng đồng tâm hợp lực để góp phần hoàn thành nhiệm vụ cao cả, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng quy chuẩn hoạt động nghề nghiệp trong một nền báo chí quốc gia là khẳng định tính chuyên nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là việc xây dựng những quy chuẩn về lãnh đạo, quản lý báo chí, trong đó đề cao vai trò của pháp luật để báo chí hoạt động chuyên nghiệp. Xây dựng quy chuẩn về phương thức tổ chức hoạt động báo chí, các tiêu chuẩn về nghề nghiệp của nhà báo dựa trên những quy chuẩn quốc tế được thừa nhận để nền báo chí cách mạng Việt Nam có cơ hội hội nhập với các nền báo chí tiên tiến trên thế giới.
Muốn hoạt động chuyên nghiệp, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng những quy chuẩn cụ thể về nghề nghiệp trên cơ sở đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và những quy định, chuẩn mực về nghề nghiệp đã đề ra. Cùng với đó, mỗi nhà báo cũng cần xây dựng quy chuẩn nghề nghiệp cho riêng mình để nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền và góp phần tạo dựng phong cách báo chí cho cá nhân.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đến nay đã tròn 90 năm xây dựng và phát triển. Trong thực tiễn hoạt động, báo chí của chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, chức năng và nhiệm vụ để phát triển nền báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp. Báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc qua mỗi thời kỳ cách mạng. Báo chí định hướng dư luận xã hội kịp thời, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Báo chí góp công trong mở rộng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, cùng nhau hợp tác phát triển. Báo chí cách mạng Việt Nan còn là vũ khí đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, phản động gây chia rẽ nội bộ, bôi nhọ danh dự của cá nhân, tổ chức; đồng thời báo chí cách mạng còn chĩa mũi tấn công mạnh mẽ vào các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện vi phạm về văn hóa, giáo dục, đạo đức, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích to lớn, trong hoạt động báo chí ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế về mục đích, nội dung và hình thức thông tin, gây suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí. Đặc biệt, từ khi internet và mạng xã hội phát triển, một số cơ quan, sản phẩm báo chí có biểu hiện chạy đua thông tin, sa đà vào thông tin giật gân, câu khách… nhằm đạt được mục đích kinh tế, xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng và nhiệm vụ cao cả của báo chí cách mạng. Một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm báo vì vụ lợi cá nhân, viết và đăng tải tác phẩm báo chí gây tổn hại cho cá nhân, tổ chức, xã hội. Nguyên nhân chính dẫn đến việc báo chí sai phạm một phần là do hệ thống luật pháp về báo chí chưa được hoàn thiện đầy đủ. Hệ thống quy chuẩn hoạt động nghề nghiệp báo chí chưa được xây dựng chuẩn mực và áp dụng phổ biến ở phạm vi quốc gia. Đối với từng cơ quan báo chí, việc xây dựng những quy chuẩn và tổ chức thực hiện bài bản để thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí cũng chưa thực sự được đầu tư đúng mức, thỏa đáng. Mặc dù nước ta hiện có gần hai vạn nhà báo đang tác nghiệp, nhưng việc mỗi một nhà báo xây dựng cho mình một quy chuẩn về tác nghiệp chuyên nghiệp lại chưa nhiều, dẫn tới ở các tòa soạn chưa có nhiều nhà báo tạo dựng được phong cách riêng trong hoạt động báo chí. Số lượng tác phẩm báo chí làng nhàng, ít giá trị thông tin hoặc thông tin vô bổ, rẻ tiền có chiều hướng gia tăng, chạy đua với những thông tin dễ dãi trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới những cơ quan báo chí, nhà báo và tác phẩm báo chí có giá trị. Để khắc phục tình trạng này, cần phải quan tâm chú trọng nhiều hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
Có thể khẳng định rằng, một nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp chỉ phát triển trên cơ sở xây dựng được những quy chuẩn về nghề nghiệp báo chí một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước; đồng thời đề cao, phát huy tốt nhất ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và vai trò của nhà báo với tư cách là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.
TS HÀ HUY PHƯỢNG
Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chuyên mục: Góc truyện