Góc truyện

CÓ NÊN ĐỂ TRẺ DƯỚI 18 TUỔI ĐỌC “TRUYỆN NGÔN TÌNH”? – vuonggiabooks

Bạn đang xem: CÓ NÊN ĐỂ TRẺ DƯỚI 18 TUỔI ĐỌC “TRUYỆN NGÔN TÌNH”? – vuonggiabooks

CÓ NÊN ĐỂ TRẺ DƯỚI 18 TUỔI ĐỌC “TRUYỆN NGÔN TÌNH”?

 

                                                                           Nguyễn Quốc Vương

 

Khi còn dạy học tại một trường phổ thông liên cấp THCS và THPT tại Hà Nội, vào giờ ra chơi tôi thường thấy một số học sinh nữ đọc các cuốn sách dày, bìa minh họa rất bắt mắt. Khi tôi hỏi “Các em đọc sách gì vậy? Có hay không?” thì học sinh đưa mắt nhìn nhau rồi cất ngay sách vào ngăn bàn hay ba lô rồi lúng túng bảo “sách vớ vẩn ấy thầy ơi. Thầy đừng xem”. Các học sinh nam thì chỉ chờ có thế ồ lên “Thầy ơi, chúng nó đọc truyện ngôn tình đấy! Thầy thu đi!”. Tìm hiểu thêm tôi mới biết, rất nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh nữ rất thích đọc “truyện ngôn tình”. Một số giáo viên chủ nhiệm vì lo ngại ảnh hưởng xấu của những cuốn sách loại này nên đã ban hành nội quy cấm mang sách tới trường, cấm đọc trong thời gian ở trường, những học sinh cố ý vi phạm sẽ bị tịch thu sách giao cho bố mẹ xử lý. Không chỉ giáo viên lo lắng mà nhiều phụ huynh cũng lo lắng. Trong nhiều buổi giao lưu về văn hóa đọc hay giáo dục với phụ huynh, bên cạnh một số phụ huynh bày tỏ lo lắng chuyện con mình chỉ say mê chơi điện thoại, ipad mà không đọc sách thì có một số phụ huynh khác lại tâm sự chuyện con mình thích đọc truyện ngôn tình. Trên thế giới ảo khi dùng lệnh tìm kiếm với từ khóa “truyện ngôn tình” ta cũng sẽ tìm được “6.240.000” kết quả. Con số “khủng” này nói lên mức độ phổ biến của nó.

Truyện ngôn tình là gì?

Nhưng truyện ngôn tình là gì? Khi tôi hỏi như vậy thì đa số phụ huynh chỉ trả lời mơ hồ, lúng túng là “truyện trai gái lăng nhăng”. Trên một trang web có tên quantrimang.com, tôi tìm thấy một định nghĩa tương đối dễ hiểu về “truyện ngôn tình” như thế này: “Truyện ngôn tình có thể hiểu đơn giản là truyện tình cảm, tiểu thuyết lãng mạn giữa tình yêu nam nữ. Thuật ngữ ngôn tình vốn xuất phát từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào nước ta khoảng năm 2006 và phát triển cho tới ngày nay. Nội dung truyện ngôn tình rất đa dạng, có thể kể về câu chuyện tình cảm thời xưa, hiện đại với nhiều giai đoạn khác nhau. Xoay quanh chuyện tình cảm của 2 nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết ngôn tình là những tình tiết thú vị khác, phản ảnh thực tế tình trạng xã hội hay rời xa thực tế tùy vào tác giả và nội dung của truyện”

[1]

Trong khi đó báo “Gia đình mới điện tử”( 21/7/2019) lại đưa ra một cách diễn giải khác về “truyện ngôn tình”: “Truyện ngôn tình là một loại tiểu thuyết tình cảm bắt nguồn từ Trung Quốc. Chúng ta có thể hiểu theo một cách đơn giản nhất truyện ngôn tình chính là một loại truyện, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, sến súa, hài, nhẹ nhàng… Nội dung của các câu truyện ngôn tình rất đa dạng và phong phú, có thể; là một câu chuyện của thời xưa, thời hiện đại, thần tiên hoặc là một thế giới huyền huyễn, huyễn hoặc, thậm chí là cả xuyên không về thời cổ đại…”

Như vậy, cho dù là cách hiểu nào đi nữa thì truyện ngôn tình cũng chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu, tình cảm nam-nữ hoặc cả các mối quan hệ đồng tính.

Thanh thiếu niên có nên đọc truyện ngôn tình không?

Tình yêu, giới tính luôn là chủ đề rất hấp dẫn, gợi tò mò đối với bạn đọc tuổi dậy thì và thanh niên. Chính vì vậy, chuyện thanh thiếu niên thích đọc chúng không có gì khó hiểu.

Vấn đề chủ yếu mà phụ huynh-giáo viên quan tâm là đọc ngôn tình có tốt không, có hại gì không. Thật ra, truyện ngôn tình là một khái niệm có nội hàm khá rộng, trong đó nó có thể bao hàm cả những tác phẩm văn chương vốn được xếp vào danh mục khác, được hiểu dưới một cái tên khác như ‘tiểu thuyết tâm lý”, “tiểu thuyết lãng mạn”… Chính vì vậy, nếu đi đến một kết luận rằng toàn bộ truyện ngôn tình hay “được dán nhãn” ngôn tình là xấu cần phải cấm đọc thì sẽ là vội vàng, thiếu cẩn trọng.  Trong số các cuốn sách được gọi là “ngôn tình” đó cũng có thể sẽ có một số cuốn là tác phẩm văn chương có giá trị nhất định hoặc đơn giản hơn là thuần túy giải trí, vô thưởng vô phạt.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu chúng ta đọc thử những cuốn sách mà học sinh học được gọi là “ngôn tình” thì quả thật sẽ có nhiều cuốn, nhiều trang khiến người lớn chúng ta nhăn mặt hoặc lo sợ. Việc khai thác các yếu tố tính dục quá mức để lôi cuốn bạn đọc mà không có quy chế giới hạn độ tuổi người đọc và không gian bày bán, không gian đọc là một điều nguy hiểm. Nhật Bản là một quốc gia tương đối thoải mái với tự do thông tin nhưng vẫn có luật về sách có hại trong đó quy định thị trưởng, tỉnh trưởng các thành phố, địa phương có quyền đưa ra danh sách các cuốn sách có hại cho thanh thiếu niên để hạn chế bán, cấm không đưa nó vào thư viện công, thư viện trẻ em và giới hạn nơi bán chúng. Ở Việt Nam mặc dù Luật xuất bản có cấm xuất bản các tác phẩm “văn hóa phẩm đồi trụy” hay “vi phạm thuần phong mĩ tục” nhưng nói chung đó cách diễn giải về nó rất khác nhau và không hiệu quả dễ “đánh nhầm hơn bỏ sót” hơn là tác dụng thực tế. Sự trông cậy vào sự tự ý thức, tự giác của nhà xuất bản, nhà sách trong việc dán nhãn, hạn chế không gian bày bán không có mấy hiệu quả trong tình hình Việt Nam.

Đối với người trưởng thành việc chìm đắm vào đọc một thể loại nặng tính giải trí như ngôn tình có thể chỉ gây tác hại là mất thời gian nhưng đối với trẻ em dưới 18 tuổi, khi chưa có đủ trải nghiệm cuộc sống và năng lực tự chịu trách nhiệm, những cuốn sách khai thác quá độ các yếu tố về giới tính, tình dục, tình yêu nam nữ có thể tác động đến quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh quan. Tác động tiêu cực này có thể thấy rõ hơn ở những trẻ chỉ đọc duy nhất thể loại ngôn tình mà không hề đọc các thể loại sách khác. Hơn nữa, dưới 18 là độ tuổi đang học phổ thông, công việc học tập là công việc trọng yếu số một của mỗi trẻ. Do đó, sách mà trẻ đọc cần phong phú trải rộng các lĩnh vực để trẻ có được nền tảng kiến thức cơ bản và bổ sung các kiến thức khoa học học ở trong trường. Nếu ở độ tuổi này mà đắm chìm vào sách giải trí quá nhiều sẽ diễn ra sự mất cân đối về tri thức nền tảng gây ra các khó khăn trong giao tiếp và công việc sau này.  

Làm thế nào để thanh thiếu niên không chìm đắm vào “truyện ngôn tình”?

Đối với người đã trưởng thành, việc đọc gì đương nhiên là tự do, sở thích cá nhân. Nhưng đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi thì sao?

Cha mẹ, thầy cô có nên tịch thu, cấm đoán trẻ đọc ngôn tình? Việc cấm có thể thực hiện được bằng việc không để sách ngôn tình xuất hiện trong thư viện trường học. Tuy nhiên sẽ rất khó để cấm tuyệt đối học sinh không đọc nó nếu như học sinh cố ý trốn tránh. Cấm học sinh đọc ở lớp chúng sẽ đọc ở nhà, ở các không gian khác.

Bởi vậy phương cách hợp lý nhất là phụ huynh, giáo viên cần quan tâm tới việc đọc của trẻ từ nhỏ để trẻ có thói quen đọc sách và có nền tảng văn hóa cơ bản. Khi trẻ có nền tảng đọc phong phù từ sớm, trẻ sẽ có óc phê phán, có bộ lọc tốt để từ đó chọn sách có giá trị thực sự cho mình. Khi có tư duy tốt, nền tảng kiến thức, trẻ có thể đọc sách trong tinh thần phê phán. Những cuốn sách dở khi đó cho dù trẻ đọc cũng không thể có tác động xấu tới tâm hồn của trẻ.

Thay vì cấm học sinh đọc ngôn tình thuần túy, giáo viên cần chủ động tiến hành các hoạt động khuyến đọc ngay trong chính giờ dạy của mình bằng cách đưa ra các yêu cầu học sinh đọc sách để giải quyết bài tập, bài kiểm tra, thảo luận. Giáo viên cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ đọc sách và giới thiệu cho học sinh các cuốn sách hay để học sinh đọc, thảo luận, viết cảm nhận, vẽ minh họa… Quan tâm tới tình yêu, tò mò về giới tính… cũng không có gì là xấu, trái lại nó là lẽ tự nhiên của con người, nhất là những học sinh đang tuổi mới lớn. Giáo viên cần giới thiệu cho học sinh những cuốn sách khoa học, tâm lý hay, thiết thực, những kiệt tác văn học của thế giới, các tiểu thuyết, truyện ngắn hay của tác giả trong nước về chủ đề này. Công cụ để đẩy lui “sách có hại” hay nhất chính là các cuốn sách hay. Khi đọc được những cuốn sách hay đích thực, học sinh sẽ biết thế nào là sách dở.

Trong hướng dẫn con tiếp cận với sách, việc cha mẹ, thầy cô nỗ lực đọc cùng với con em, học sinh vô cùng quan trọng. Người lớn sẽ không thể gây được ảnh hưởng hay thuyết phục được trẻ em nếu đứng ngoài thế giới của trẻ. Đối với các cuốn sách có nội dung, chứa đựng các chi tiết tính dục không phù hợp hoặc ẩn chứa các tình tiết, thông điệp chống lại giá trị phổ quát, cần giải thích cho học sinh hiểu là “không cấm” nhưng hiện tại chưa thích hợp. Hãy gác lại để đọc các cuốn sách phù hợp, phục vụ học tập, đời sống, những cuốn sách đó sau này nếu muốn đọc vẫn chưa muộn. Các tiếp cận mềm mỏng, khoan dung, tôn trọng nhu cầu đọc sách của học sinh và hướng học sinh tới các cuốn sách hay có cùng chủ đề sẽ có hiệu quả hơn các biện pháp cấm đoán cực đoan và cứng rắn.

 

 


[1]

https://quantrimang.com/truyen-ngon-tinh-la-gi-168232


Cũ hơn

Mới hơn

Chuyên mục: Góc truyện

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button
kệ sắt v lỗ code learn xem truyen xem truyen