[Review] Thịnh Thế Thanh Phong
Contents
[Review] Thịnh Thế Thanh Phong
Nguyên tác: 晟世青风
Bộ 3 – Thần Toán Tứ Bộ Hệ Liệt
Tác giả: Nhĩ Nhã – 耳雅 | Convert: QT | Biên tập: Zinnia
Thể loại (theo ta): cổ trang, cung đình, chinh chiến, HE
Bản gốc: Hoàn (145 chương chính văn và 6 phiên ngoại)
Tình trạng edit: Hoàn
Link
(do blog của Zinnia đã đóng và đây chỉ là trang web reup lại, các phần phiên ngoại cũng không phải do Zinnia biên tập, bản mình đọc là bản pdf của Zinnia, nếu ai muốn đọc bản đấy, vui lòng liên hệ Chủ nhà – Bét Leader aka Cún-hay-làm-nũng)
Tóm tắt: 1 hoàng đế bất chấp lễ nghi chỉ cầu mong được sống cùng phu tử của mình đến trọn đời, si mê lưu luyến,thủy chung một lòng đã đổi cả tên nước thành tên của mình và ái nhân. Trong mắt những người không quen, không biết họ thì đó là hôn quân háo sắc và yêu nghiệt Đắc Kỷ đầu thai hại nước hại dân. Nhưng đối với người hiểu rõ họ thì đó là 1 người thông minh sắc sảo chung tình hiếm thấy và 1 người tử tế nhân từ chân thành. Họ đã cùng nhau trải qua những trận chiến cam go, đối mặt với hiểm nguy trùng trùng điệp điệp để có thể nhìn thấu tâm tư đối phương và tình cảm của chính mình.
Điểm trừ:
Nhĩ Nhã muốn xây dựng nên cuộc chinh chiến hào hùng, nhiều kịch tính, nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều sự kiện đan xen nhưng kết quả là vẫn như Hảo Mộc Vọng Thiên, càng cố gắng đưa vào nhiều thì lại càng sai nhiều và càng dư thừa nhiều. Có những sự kiện chẳng có ý nghĩa gì nhưng Nhã vẫn cứ cố đưa vào để tạo nên sự hồi hộp rồi sau đó lại quên đi mất cái sự kiện kia. Và điểm vô lý nhất trong tất cả những điểm vô lý là Nhã để cho người chết sống lại bằng cách dễ dàng đến mức ngỡ ngàng.
Cảm nhận cá nhân:
Do đọc 1 hệ liệt liên tiếp nhau nên những diễn biến trong các bộ trước vẫn còn nhớ rất rõ, khi thấy sự không trùng khớp nhau trong bộ sau khiến mình rất khó chịu. Không chỉ là sự không trùng khớp giữa các bộ truyện mà các tình tiết trong cùng 1 bộ lắm lúc cũng phi lý và chẳng liên quan gì đến nhau. Trong lúc đọc Thịnh Thế Thanh Phong, đã có vài lần mình phải tạm ngừng đọc trong vài ngày để sự khó chịu tạm lắng mới có thể quay lại đọc tiếp. Và nghe lời bé cún, mình chỉ tập trung vào tình cảm của các nhân vật mà không quá tập trung vào các tình tiết trong truyện nên đoạn sau dễ nuốt hơn rất nhiều.
Xen lẫn trong những âm mưu toan tính, những trận đánh hùng hồn chính là cái tình cảm “Thanh còn Thịnh còn, Thanh mất Thịnh vong. Thịnh Thanh hai chữ, mãi chẳng phân ly”. Tình cảm của họ đến từ những ngày khi Ngao Thịnh bắt đầu vào kinh với thân phận thái tử , họ đã cùng nhau đề phòng, cùng nhau dè dặt, chưa biết bước tiến ngày sau thế nào. Trong những ngày tháng khó khăn ấy, Ngao Thịnh đã sớm nhận ra tình cảm của mình với Tương Thanh nhưng Tương Thanh vẫn mãi miết không nhận ra tình cảm của chính mình, hay nói đúng hơn tình cảm của Tương Thanh lúc này chưa đủ mạnh để Tương Thanh ở lại bên Ngao Thịnh mãi mãi. Sự ra đi của Tương Thanh giống như một cuộc chạy trốn, trốn khỏi sự trói buộc của tình cảm, trốn khỏi hạnh phúc mình không nên nhận khi có người đã vì mình mà tổn thương, đi để biết những khó khăn người kia sẽ phải đối mặt, đi để vì người kia tạo dựng nên một giang sơn vững chắc. Không phải là không về mà là chưa về vì chưa tìm hiểu đủ để có thể giúp người kia thâu tóm toàn bộ giang sơn, mà thật ra đó cũng chỉ là lý do để trì hoãn việc quay lại, cái chính vẫn là không biết phải đối diện với tình cảm của người kia như thế nào khi bản thân chưa có sự rung động tương tự. Không phải là không có, chỉ là chưa giống nhau nên cảm thấy tình cảm kia giống gánh nặng.
Một người thể hiện sự si mê của mình ra khắp mọi nơi mọi lúc trước mặt mọi người, một người thì thể hiện sự quan tâm bằng cách lúc nào cũng lo nghĩ làm sao mới có thể tạo nên những điều kiện thuận lợi cho người kia, bản thân có chịu thiệt thòi một tí cũng không sao.
Tình cảm của Ngao Thịnh quá lớn, sự quan tâm của Ngao Thịnh quá nhiều, nỗi lo lắng bất an có thể sẽ lại không nhìn thấy Tương Thanh của Ngao Thịnh quá thường xuyên đến mức dễ khiến người ta xót xa cho Ngao Thịnh mà trách Tương Thanh sao lại vô tâm hững hờ đến vậy. Trái ngược với một Ngao Thịnh lúc nào cũng căng tràn sức sống như một ngọn lửa sung mãn, Tương Thanh lại dịu dàng như một dòng suối, thoạt trông thì rất bình lặng nhưng kỳ thực nước suối vẫn luôn di chuyển đổ về biển. Tương Thanh không có da mặt dày như Ngao Thịnh nên Tương Thanh chỉ có thể thể hiện tình cảm của mình bằng việc dốc hết tâm tư sức lực giúp Ngao Thịnh bình định chấn chỉnh giang sơn. Và vì không thường xuyên thể hiện nỗi lòng của mình nên khi Tương Thanh thể hiện nỗi nhớ trong những tháng ngày xa cách trước trận chiến cuối cùng khiến ta cảm thấy còn buồn bã hơn, còn da diết hơn nỗi lòng của Ngao Thịnh kia.
Ở bên một Tương Thanh bình bình đạm đạm, chân thật chất phát khiến lòng ta bình tâm. Tình cảm dịu dàng mà Tương Thanh dành cho Ngao Thịnh, tình cảm da diết mà Ngao Thịnh dành cho Tương Thanh khiến ta cảm thấy lòng dâng tràn ngọn lửa sưởi ấm trong đêm đông
Có nhiều bài hát về Thịnh Thế Thanh Phong nhưng mình thích nhất là bài Tình về trong nhà Beedance, có lẽ vì có lồng vào những đoạn hội thoại của hai người và có cả hình minh họa phác họa quá đúng sự cô độc của Tương Thanh và Ngao Thịnh.
Ai muốn nghe thử thì có thể vào
đây
Chuyên mục: Góc truyện